Bảo Hiểm Thương Mại Là Gì? Đặc Trưng Của Bảo Hiểm Thương Mại

Hiện nay các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thương mại bởi nó mang lại nhiều lợi ích. Vậy bảo hiểm thương mại là gì? Phân loại và lợi ích của bảo hiểm thương mại là gì? Cùng Nhựa Sài Gòn đi tìm kiếm câu trả lời ở bài viết dưới đây nhé!

Tóm tắt nội dung

Bảo hiểm thương mại là gì?

Bảo hiểm thương mại là loại hình bảo hiểm được tạo ra bởi các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua hợp đồng. Người tham gia bảo hiểm phải có trách nhiệm đóng các khoản phí để duy trì hợp đồng. Khi xảy ra rủi ro như trong hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ có nghĩa vụ bồi thường.

bảo hiểm thương mại là gì

Bản chất kinh tế của bảo hiểm thương mại là quá trình phân phối lại thu nhập giữa người tham gia bảo hiểm nhằm đáp ứng được những nhu cầu tài chính phát sinh khi xảy ra tai nạn, rủi ro bất ngờ gây tổn thất lớn đối với người được bảo hiểm.

Đặc trưng của bảo hiểm thương mại

Một số đặc trưng cơ bản của bảo hiểm thương mại:

  • Là sự cam kết giữa 2 bên: bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm dựa trên cơ sở hợp đồng
  • Bên bảo hiểm (người bảo hiểm) có thể là doanh nghiệp bảo hiểm. Bên bảo hiểm sẽ là người đảm bảo trả tiền hoặc bồi thường nếu rủi ro được bảo hiểm xảy ra gây tổn thất thuộc trách nhiệm của bảo hiểm
  • Bên được bảo hiểm là người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Bên được bảo hiểm sẽ phải đóng một khoản chi phí bảo hiểm nhất định và được bảo đảm từ người bảo hiểm
  • Việc thực hiện cam kết bảo hiểm dựa trên nguyên tắc lấy nhiều bù ít. Điều này có nghĩa là việc bồi thường hay trả tiền bảo hiểm của người bảo hiểm phải dựa vào quỹ tài chính được hình thành từ các khoản phí bảo hiểm đã nộp (quỹ bảo hiểm) trước đó
Đặc trưng của bảo hiểm thương mại
Đặc trưng của bảo hiểm thương mại

Phân loại các loại bảo hiểm thương mại

Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm được chia thành 3 nhóm: 

  • Bảo hiểm tài sản
  • Bảo hiểm con người
  • Bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Bảo hiểm tài sản

Bảo hiểm tài sản là loại bảo hiểm lấy tài sản làm đối tượng bảo hiểm. Khi xảy ra rủi ro, tổn thất về tài sản như mất mát, hủy hoại về vật chất thì người bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người nhận bảo hiểm, căn cứ vào mức độ thiệt hại thực tế. 

Bảo hiểm con người

Đối tượng của loại bảo hiểm này là tính mạng, sức khỏe, thân thể của con người. Khi xảy ra rủi ro, ảnh hưởng tới tính mạng sức khỏe thì người ký kết hợp đồng bảo hiểm, nộp phí bảo hiểm có mong muốn nhận được khoản tiền bồi thường do người bảo hiểm trả. 

Bảo hiểm con người có thể là bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ…

các loại bảo hiểm thương mại
Các loại bảo hiểm thương mại

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm phát sinh do ràng buộc của các quy định trong luật dân sự. Theo đó, người được bảo hiểm phải bồi thường bằng tiền cho người thứ 3 những thiệt hại mà do mình gây ra hoặc do sự vận hành của tài sản thuộc sở hữu của chính mình. 

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự có thể là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc bảo hiểm trách nhiệm công cộng.

Những nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm thương mại

Trong bảo hiểm thương mại, có 6 nguyên tắc chung như sau:

  • Nguyên tắc nhiều bù ít: Số người tham gia càng nhiều thì mức phí bảo hiểm phải đóng càng ít và người lại. Đến khi hết hợp đồng mà không xảy ra tai nạn để được bồi thường thì nó sẽ không ảnh hưởng gì tới hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người tham gia bảo hiểm
  • Nguyên tắc lựa chọn rủi ro: Đối với những trường hợp chắc chắn hoặc gần như chắc chắn rủi ro sẽ xảy ra thì sẽ bị từ chối bảo hiểm
  • Nguyên tắc phân tán rủi ro: Bảo hiểm thương mại sẽ không nhận bảo đảm cho những rủi ro quá lớn, vượt quá so với khả năng tài chính có thể bù đắp nếu không thực hiện các biện pháp phân tán rủi ro như đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm
  • Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: Trách nhiệm của người bảo hiểm là cân nhắc các điều khoản, điều kiện để soạn hợp đồng sao cho đảm bảo quyền lợi của cả 2 bên. Người tham gia bảo hiểm có trách nhiệm là phải trung thực khi khai báo rủi ro.
  • Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: Người tham gia bảo hiểm sẽ có quyền lợi nếu đối tượng được bảo hiểm gặp rủi ro. Tuy nhiên một nguyên tắc cần lưu ý là người tham gia bảo hiểm phải có mối quan hệ hợp pháp với đối tượng được bảo hiểm như: Quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản, quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác.
  • Nguyên tắc nguyên nhân gần: Các tổn thất chỉ được bồi thường trong trường hợp nếu như đó là tổn thất trực tiếp do rủi ro được bảo hiểm gây ra
nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm thương mại
Nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm thương mại

Lợi ích của bảo hiểm thương mại

Bảo hiểm thương mại có lợi ích lớn nên thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. 

Đối với cá nhân

Khi cá nhân tham gia bảo hiểm thương mại gặp các sự cố về tai nạn, bệnh tật… thì sẽ được hỗ trợ tài chính để giải quyết các vấn đề về tiền bạc như chi phí điều trị, viện phí…

Đối với doanh nghiệp

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng có thể gặp phải những rủi ro, khó khăn. Việc tham gia bảo hiểm thương mại sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính khi đối phó với những rủi ro này. Tham gia bảo hiểm thương mại được xem là phương án an toàn và thiết thực nhất cho các doanh nghiệp hiện nay ngay cả khi các sự cố xảy ra một cách đột ngột, bất ngờ.

Lợi ích của bảo hiểm thương mại
Lợi ích của bảo hiểm thương mại

Đối với ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại cũng sẽ được nhận một số lợi ích nhất định khi tham gia loại bảo hiểm này. Bảo hiểm thương mại giúp các ngân hàng chủ động giải quyết các vấn đề tín dụng hơn khi làm việc với khách hàng.

Việc tham gia bảo hiểm thương mại là phương pháp tối ưu để các ngân hàng có thể đảm bảo việc chi trả vốn cho doanh nghiệp khi chẳng may họ gặp các vấn đề phát sinh trong kinh doanh.

Vai trò của bảo hiểm thương mại

Sự ra đời và phát triển của bảo hiểm thương mại đã cho thấy được vai trò kinh tế xã hội mang lại cho mỗi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.

  • Góp phần ổn định tài chính cho người tham gia bảo hiểm
  • Đề phòng, hạn chế những tổn thất, giúp cho cuộc sống con người an toàn, xã hội trật tự hơn. Từ đó giúp giảm bớt nỗi lo cho mỗi cá nhân, tổ chức.
  • Góp phần ổn định chi tiêu của ngân sách Nhà nước thông qua cơ chế tăng tích lũy và tiết kiệm chi cho ngân sách Nhà nước
  • Góp phần phát triển thị trường tài chính, phát triển hoạt động sản xuất ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế
  • Góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp, trong đó có cả thất nghiệp tự nhiên và thất nghiệp trá hình