Màu sơn tường ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của ngôi nhà. Sơn tường nhà không đòi hỏi kỹ thuật cao và chuyên môn. Bạn cũng có thể tự mình sơn tường tại nhà để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, cách sơn tường như thế nào cho đúng và chuẩn? Hãy cùng Nhựa Sài Gòn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Những lưu ý trước khi thực hiện cách sơn tường
Sau đây là những điều bạn cần lưu ý trước khi thực hiện sơn tường nhà:
Chọn thời điểm sơn tường
Vào đúng tiết thu của miền Bắc với đặc thù khô ráo, mát mẻ rất thích hợp để sơn nhà. Bạn nên sơn tường vào khoảng cuối tháng 8, tháng 9 và tháng 10 dương lịch. Tuy nhiên, việc đòi hỏi thời tiết lý tưởng như vậy là điều rất khó bởi thời tiết ở các vùng miền là khác nhau, đồng thời cũng không đáp ứng được nhu cầu xây dựng quanh năm. Bạn cũng có thể sơn nhà vào mùa xuân, hạ, đông nhưng nên tránh thời điểm mưa kéo dài hay khi độ ẩm không khí tăng cao. Bởi vì khi đó, công trình sẽ gặp nhiều khó khăn như sơn lâu khô, bong tróc hay ngấm ẩm.
Ngoài ra, cũng không nên sơn tường trong thời điểm trời quá nắng bởi sơn cần một thời gian nhất định để có thể bám dính chắc chắn vào bề mặt tường. Khi nhiệt độ cao sẽ khiến dung môi bay hơi nhanh hơn, làm giảm độ bám khiến màng sơn dễ rạn, bong tróc, nứt và nhăn nhúm.
Lựa chọn màu sơn phù hợp
Màu sơn tường gồm một số màu gốc, các màu sắc khác có thể được pha chế từ màu sơn gốc. Đa số các hãng sơn đều có bảng màu phong phú để khách hàng lựa chọn. Xét về lý thuyết, màu sơn của các hãng tương đối giống nhau, tuy nhiên màu thực tế có thể thay đổi tùy vào chất lượng sơn, hệ thống sơn và tay nghề của người thợ. Ngoài ra, ánh sáng cũng là yếu tố quyết định đến màu sơn. Cùng một màu sơn, nếu bạn quan sát dưới ánh sáng tự nhiên sẽ khác với khi quan sát dưới ánh sáng điện.
Sơn có nhiều nhãn hiệu, chủng loại nhưng đa phần sẽ là sơn gốc nước. Bạn cần xác định tông màu sơn tường và khả năng tài chính để lựa chọn sản phẩm sơn phù hợp.
Tính toán lượng sơn cần mua
Tính toán lượng sơn cần mua cũng là một bước khá quan trọng khi bạn thực hiện quy trình sơn tường nhà. Để tính toán được lượng sơn cần thiết một cách chính xác nhất, bạn cần biết được độ phủ của từng loại sơn. Độ phủ chính là số mét vuông mà 1 lít sơn có thể sơn phủ lên bề mặt cần sơn. Độ phủ cũng phụ thuộc vào bề mặt tường sơn có bằng phẳng hay không, bởi lượng sơn cần dùng cho bề mặt bằng phẳng sẽ ít hơn so với bề mặt gồ ghề.
Vậy làm sao để tính toán được lượng sơn cần mua chính xác nhất? Cùng tham khảo bảng dưới đây.
Loại sơn | Dung tích | Sơn nguyên bản | Pha thêm 5-10% nước |
Sơn lót
|
18 lít (20kg) | 100m2 | 120m2 |
5 lít (4kg) | 25m2 | 35m2 | |
Sơn kinh tế
|
18 lít (20kg) | 65m2/2 lớp | 90m2/2 lớp |
5 lít (4kg) | 20m2/2 lớp | 30m2/2 lớp | |
Sơn mịn
|
18 lít (20kg) | 80m2/2 lớp | 110m2/2 lớp |
5 lít (4kg) | 25m2/2 lớp | 35m2/2 lớp | |
Sơn siêu bóng, bóng, bóng mờ
|
18 lít (20kg) | 120m2/2 lớp | 140m2/2 lớp |
5 lít (4kg) | 30m2/2 lớp | 40m2/2 lớp |
Cách sơn tường đúng kỹ thuật và đạt hiệu quả cao
Quy trình sơn nhà đúng cách được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị bề mặt tường cần sơn
Đối với bề mặt tường mới
- Đối với bề mặt tường mới xây, cần phải đảm bảo độ ẩm đạt dưới 16% theo máy đo độ ẩm chuyên dụng. Nếu trường hợp bạn không có máy đo độ ẩm thì phải dành đủ thời gian khô hoàn toàn và đủ thời gian bảo dưỡng (từ 21 đến 28 ngày).
- Sử dụng đá mài, mài tường để loại bỏ các tạp chất làm ảnh hưởng tới độ bám dính của các lớp sơn hay bột bả. Ngoài ra cũng cần mài tường, tạo độ phẳng tương đối cho bề mặt tường.
- Sử dụng giấy nhám thô ráp lại bề mặt và sau đó vệ sinh bụi bẩn bằng máy nén khí hay rẻ sạch thấm nước
- Trước khi tiến hành công đoạn bả matit, nếu tường quá khô cần làm ẩm tường bằng cách dùng Rulo lăn qua tường với nước sạch. Chỉ cần lăn một lớp nước mỏng, không nên lăn quá nhiều.
Đối với bề mặt tường cũ
- Với bề mặt tường cũ, bạn phải đảm bảo loại bỏ các vết bẩn, các loại nấm mốc, bụi bẩn, lớp sơn cũ bị bong tróc và các tạp chất cũ, bột bả cũ… bằng máy phun nước sạch áp suất cao.
- Nếu vị trí nào bị nấm mốc hay sử dụng dung dịch tẩy nấm mốc để loại bỏ hoàn toàn
- Hãy xả bỏ toàn bộ lớp sơn đã mất đi độ bám dính
- Tiến hành rửa sạch tường bằng nước sạch và để khô trước khi thi công sơn bả
Bước 2: Xử lý chống thấm, chống ẩm và các lỗi của tường triệt để
- Xử lý những lỗi của bề mặt tường lần cuối trước khi tiến hành các công đoạn khác
- Chống thấm: Đây là công đoạn không thể bỏ qua vì nó có thể làm xuống cấp công trình của bạn bất cứ khi nào. Để xử lý chống thấm, đầu tiên bạn cần xác định được nguyên nhân gây ra thấm dột và tìm cách xử lý. Bước này có thể xử lý trước cả quá trình vệ sinh bề mặt tường.
Bước 3: Bả matit
Bả tường có tác dụng làm bằng phẳng, mịn bề mặt sơn. Từ đó tạo thuận lợi cho quá trình thi công những lớp sơn sau và có tác dụng tăng tính thẩm mỹ cho lớp sơn.
Tùy vào kinh tế của bạn mà có thể bả từ 1 đến 2 lớp. Để khô bề mặt tường đã bả sau 24 giờ và tiến hành sơn các bước sơn phủ.
Bước 4: Sơn lót
Sơn lót có khả năng chống lại các tác động trực tiếp từ môi trường lên lớp sơn phủ. Ngoài ra, nó giúp tăng khả năng bám dính lên lớp sơn phủ giúp bề mặt hoàn thiện hơn.
Sử dụng máy phun thông thường hoặc Rulo sơn một lớp sơn lót chống thấm và 1 lớp sơn chống kiềm hóa cho tường nhà.
Sơn một lớp sơn ướt với độ dày tiêu chuẩn là 100 micro. Bạn cũng có thể pha thêm tối đa 10% dung môi thích hợp theo thể tích trong quá trình thi công. Nên sơn cách lớp sau 1 đến 2 giờ (tuỳ vào nhiệt độ).
Bước 5: Sơn phủ
- Đây là bước cuối cùng trong quy trình sơn tường, nó có tác dụng bảo vệ và trang trí
- Sử dụng máy phun thông thường hoặc Rulo sơn 2 lớp sơn phủ tối thiểu bảo vệ màu sơn. Bạn có thể pha thêm tối đa 10% dung môi (nước sạch) theo thể tích trong quá trình thi công và các lớp sơn sau nên cách 2-3 giờ.
Trên đây là cách sơn tường nhà đúng kỹ thuật, mong bạn đã tìm kiếm được thông tin mình cần trong bài viết này.