Cà chua là một trong những loại thực phẩm được sử dụng phổ biến trong những bữa ăn nhờ hương vị thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, để có được những quả cà chua chín mọng và thơm ngon nhất thì người trồng cần nắm chắc cách trồng cà chua và cách chăm sóc để đạt được kết quả như mong muốn.
Tóm tắt nội dung
Những điều cần biết trước khi trồng cà chua
Thời vụ
Cà chua là loại cây được trồng theo thời vụ, vì vậy người trồng nên canh thời gian, lên kế hoạch trồng trọt từ trước. Ngoài ra xác định thời điểm gieo hạt thật chuẩn xác để đảm bảo rằng cà chua có thể tăng trưởng trong điều kiện tốt nhất.
Ở nước ta hiện nay, thời vụ trồng cà chua được chia thành 3 vụ:
- Vụ Đông Xuân: là khoảng thời gian gần cuối năm, từ tháng 10 – 11 âm lịch. Nếu trồng cà chua vào giai đoạn này thì nhà nông có thể thu hoạch vào khoảng tháng 1-2 của năm sau đó.
- Vụ Xuân Hè: là mùa vụ đầu năm, nếu bạn muốn bắt đầu mùa vụ vào khoảng thời gian đầu năm thì nên chọn từ khoảng tháng 12 đến tháng 1 dương lịch và thời gian thu hoạch sẽ rơi vào khoảng tháng 3-4.
- Vụ Hè Thu: bắt đầu vào khoảng tháng 6-7 dương lịch và nếu cách trồng cà chua đúng kỹ thuật thì thời gian thu hoạch rơi vào khoảng tháng 9-10.
Yêu cầu về đất trồng
Cà chua cần nhiều chất dinh dưỡng và có thể phát triển tốt nhất với điều kiện đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp. Nên để giúp cho cây có môi trường phát triển tốt nhất, bạn nên chuẩn bị các loại đất như đất pha cát, đất phù sa để bắt đầu trồng trọt.
Thường xuyên kiểm tra tình trạng và đo độ pH của đất. Nếu độ pH rơi vào khoảng 6-6,5 thì bạn nên bón thêm vôi kết hợp bón thúc cho đất ít nhất là vài tuần trước khi tiến hành gieo hạt.
Cách trồng cà chua hiệu quả nhất là trồng theo luống:
- Mỗi luống rộng 110 – 120cm
- Rãnh rộng 20 – 25cm theo hướng Đông – Tây
- Vào mùa mưa nên làm luống cao để bảo vệ rễ cây
Mật độ trồng, thời gian trồng
Mật độ trồng:
- Khoảng cách tối thiểu giữa 2 hàng là 80cm
- Tùy vào loại cây giống, mỗi cây cách nhau từ 60cm trở lên
Thời gian trồng:
- Hạt cà chua nên được gieo vào buổi chiều 15 – 17 giờ nếu vào vụ Đông Xuân còn với vụ Xuân Hè thì nên gieo muộn hơn khi nắng đã tắt.
- Nếu tốt nhất thì nên chọn những ngày trời không nắng gắt, thời tiết mát mẻ, có mưa để cây cà chua sinh trưởng tốt nhất.
Hướng dẫn cách trồng cà chua
Ươm cây cà chua từ hạt
Bạn gieo hạt giống cà chua vào chậu ươm, có thể là bầu đất, cốc nhựa, chai lọ để chờ ngày hạt nảy mầm, trổ lá. Nên để chậu ươm ở nơi có đủ năng và nếu muốn ươm trong nhà thì cần phải có đèn huỳnh quang hoặc đèn có ánh sáng màu vàng đặt cách 12 – 15cm thì mới đủ điều kiện để hạt nảy mầm.
Trong giai đoạn ươm hạt bạn cần lưu ý để trên cao hoặc có biện pháp phòng tránh chuột tha mất hạt. Thời gian nảy mầm của các giống cây cà chua trung bình từ 7 đến 14 ngày.
Trồng từ cây con 1 tháng tuổi
Cây con 1 tháng tuổi sẽ có chiều cao khoảng 10 – 25cm thì bạn nên đánh sang chậu trồng mới.
Cách trồng cà chua như sau: Làm đất cho tơi xốp, trồng cây con vào giữa chậu, độ sâu của thân cây dưới đất khoảng 50% thân cây, phần thân dưới đất sẽ sớm mọc thêm rễ để cây cà chua thêm chắc khỏe. Khoảng cách giữa 2 cây nên cách nhau từ 50 – 100cm.
Xem thêm:
- Hướng Dẫn Cách Trồng Rau Sạch Tại Nhà Đơn Giản, Hiệu Quả
- Khay Nhựa Trồng Rau Giá Rẻ – Cách Trồng Rau Vào Khay Nhựa
Cách chăm sóc cây cà chua
Tưới nước
Tùy theo từng giai đoạn phát triển của cây mà cà chua có nhu cầu về lượng nước khác nhau:
- Giai đoạn sau khi trồng: Bà con cần tưới nước duy trì 1 lần vào mỗi buổi sáng trong vòng 1 tuần. Kiểm tra cây thường xuyên đến khi thấy cây bén rễ thì sẽ giảm lượng nước còn 2 ngày 1 lần và đến khi cành, lá phát triển thì tăng lượng nước mỗi lần tưới. Đến giai đoạn cây ra hoa thì luôn để đất trong trạng thái ẩm.
- Giai đoạn ra hoa kết quả: Đây là giai đoạn cây có nhu cầu về lượng nước cao nhất nhưng người nông dân cũng cần linh hoạt tùy chỉnh lượng nước phụ thuộc vào lượng phân bón sử dụng, mật độ trồng và loại đất trồng cho phù hợp.
- Để đảm bảo tính chuẩn xác cũng như tiết kiệm thời gian, nhân công thì bà con có thể tham khảo tích hợp thêm hệ thống tưới nước tự động.
Vun xới
- Lần thứ 1: Sau khi trồng 8 – 10 ngày
- Lần thứ 2: Sau lần thứ nhất 1 tuần
Làm giàn
Khi cây cà chua được 2 tháng tuổi thì bà con nên làm giàn để đỡ thân cây giúp cho cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Mục đích của việc làm giàn là giữ cho thân cây không bị đổ khi ra quả. Bạn có thể tận dụng nhiều vật liệu có sẵn trong gia đình để làm giàn như gỗ, cọc tre, dây, ống nước…
Những ngày nắng nóng nên lót thêm rơm hoặc cỏ khô khoảng 2 – 3cm lên bề mặt chậu để giữ cho đất luôn được ẩm. Khi cây trong giai đoạn ra hoa, bạn có thể lắc nhẹ cây để hỗ trợ cho quá trình thụ phấn.
Bấm ngọn và tỉa cành
Bấm ngọn và tỉa cành sẽ giúp cây cà chua tập trung chất dinh dưỡng nhiều hơn vào nuôi quả. Tùy vào từng loại cây cà chua sẽ có cách bấm khác nhau, bạn có thể tham khảo 2 cách bấm như sau:
Đối với loại cà chua sinh trưởng hữu hạn
- Cắt hết tất cả các chồi non và cành khỏe, chỉ chừa lại một cành từ thân chính ở dưới chùm hoa đầu tiên của cây.
- Bấm ngọn cho các cây có 4 chùm quả trở lên, từ chùm quả cuối cùng đếm lên đến khi còn lại 2 lá thì bấm phần ngọn phía trên đó đi.
Đối với loại cà chua sinh trưởng vô hạn
- Để thân chính phát triển dài theo cọc giàn
- Cắt những phần lá già vàng để giúp cây phát triển tốt hơn
Bón phân
Cây cà chua cần chất dinh dưỡng cao vừa để nuôi thân, vừa để nuôi quả nên bạn cần phải bón lót phân hữu cơ và bón thúc nhiều lần để cây đạt năng suất cao, chất lượng quả tốt.
Giai đoạn cây cần hấp thụ chất dinh dưỡng nhất là 10 ngày sau khi hoa nở đến khi trái bắt đầu vào giai đoạn chính.
Cách bón phân cây cà chua:
Bón lót: Bón vào thời kỳ làm đất trước khi trồng và sau khi đậu quả bằng Organic 1 với lượng 80-100kg/1000m2/lần.
Bón thúc: Được chia làm 4 lần như sau:
- Lần 1 (15 ngày sau khi trồng): bón phân NPK chuyên dụng có hàm lượng đạm cao để nuôi dưỡng cà chua như: NPK 30-10-10+TE hoặc NPK 16-16-8+TE.
- Lần 2 (25 ngày sau khi trồng): Giai đoạn này cây bắt đầu có nụ. Bạn cần tăng cường hàm lượng lân (P) cao để thúc đẩy sự ra hoa như: NPK 20-20-15+TE.
- Lần 3 (Hoa nở): Bón NPK 15-15-15+Te, đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cân bằng, tạo tiền đề cho đậu trái.
- Lần 4 (trước khi thu hoạch quả đầu tiên): Chọn loại phân có hàm lượng Kali (K) cao để thúc trái, tăng kích cỡ, tạo độ bột, thơm cho trái như NPK 16-9-21+TE; 15-5-27+TE.
Và bón thúc cho cây cà chua sau mỗi lần thu hoạch quả.
Các loại bệnh thường gặp của cây cà chua
Bệnh héo xanh
Bệnh héo xanh là loại bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Bệnh này có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây nhưng nhiều nhất là ở giai đoạn ra hoa kết quả đến khi quả già.
Khi cây nhiễm bệnh sẽ bị héo rũ, có thể héo 1 cành hoặc 1 nhánh nhỏ, sau đó các lá phía dưới tiếp tục héo và cụp xuống. Cuối cùng khiến toàn bộ cây bị héo rũ, gãy gục và chết.
Bà con cần thường xuyên theo dõi tình hình của cây, nếu có chớm bệnh thì dùng thuốc 20WP để phun ngay.
Bệnh sương mai
Bệnh sương mai là loại bệnh khác phổ biến đối với các cây trồng thuộc họ cà gây ra bởi vi khuẩn Phytophthora infestans. Bệnh sẽ bắt đầu với các đốm màu xanh đậm như úng nước, sau đó chuyển dần sang đen, làm thối nhũn hoặc gãy giòn bộ phận nhiễm bệnh tùy theo điều kiện môi trường.
Khi bệnh xuất hiện thì bà con nên phun một trong các loại thuốc sau: Mancozeb 80 WP, Curzate 72WP, Ridomil 72WP, Aliette 80WP,với nồng độ 0,1 – 0,4%, và phun 7 – 10 ngày/lần.
Bệnh thán thư
Loại bệnh này do nấm Colletotrichum phomoides gây ra. Chúng có biểu hiện với các đốm bệnh lúc đầu hình tròn, úng nước hơi lõm xuống. Sau đó các đốm bệnh lan dần ra, có đường kính 0,5 – 0,2, tâm vết bệnh có màu nâu đen, viền màu nâu xám.
Khi bệnh thán thư gây hại cho cây thì nên phun trị bệnh bằng 1 trong các loại thuốc như sau 72 WP, Copper B 75 wp, Benlate 50 WP, Daconil 75 WP, Mancozeb MZ 72 wp. Curzate M8 72 WP, Antracol 70 WP… 0,2 – 0,4%.
Thu hoạch cà chua
Cà chua tính từ khi bắt đầu trồng vào bầu, nếu cách trồng cà chua đúng kỹ thuật và chăm sóc tốt khoảng 2 tháng sau sẽ bắt đầu ra trái. Quả cà chua chuyển dần từ màu xanh sang cam vàng rồi dần sang đỏ, tức quả đang dần chín.
Thu hoạch cà chua tốt nhất khi quả đã đạt đủ kích thước và chuyển từ màu cam vàng sang đỏ. Tránh thu hoạch khi quả quá chín khiến quả dễ bị dập và không bảo quản được lâu.
Lưu ý:
- Khi thu hoạch bên cắt cả cuống để quả cà chua không bị mất nước và tươi lâu
- Tùy theo điều kiện, tình hình thời tiết mà đẩy nhanh tốc độ thu hái cà chua để tránh quá lâu khiến quả thối hỏng ngay trên cây
Trồng cà chua không đơn giản nhưng cũng không hẳn là quá khó bởi lẽ chúng ta cần hiểu rõ đặc tính của cây cùng với đó chính là nắm rõ được kỹ thuật chăm bón để cây có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhất và đạt năng suất cao nhất.