Trong bộ hồ sơ xuất khẩu thường có một loại chứng từ là MSDS, hay còn được gọi là bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất. Bài viết dưới đây sẽ gửi tới bạn đọc những kiến thức về MSDS là gì? Nó có công dụng ra sao? Nội dung trong MSDS gồm những gì? Trách nhiệm các bên tham gia?
Tóm tắt nội dung
MSDS là gì?
MSDS là viết tắt của cụm từ Material Safety Data Sheet, có nghĩa là bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất.
MSDS là văn bản chứa các thông tin của các loại hóa chất với mục đích giúp những người làm việc có thể hiểu biết và chủ động khi tiếp xúc với các loại hóa chất đó. Từ đó sẽ đảm bảo được an toàn cho mình và xử lý được những tình huống bất ngờ khi bị ảnh hưởng.
MSDS được áp dụng đối với các mặt hàng có khả năng gây nguy hiểm trong quá trình bảo quản, xếp dỡ lên xuống, vận chuyển… Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất này sẽ hướng dẫn cụ thể để giúp bạn phòng tránh và xử lý những rủi ro hóa chất có thể xảy ra.
Chính vì thế, khi muốn xuất nhập khẩu hàng hóa nguy hiểm thì bắt buộc các doanh nghiệp cần phải xuất trình được MSDS thì mới có thể xem xét hàng có được vận chuyển hay không.
Xem thêm:
Nội dung của MSDS
Trong giao dịch mua bán quốc tế, người gửi hàng sẽ cung cấp MSDS. Người gửi hàng có thể là công ty sản xuất, công ty thương mại hoặc nhà phân phối… Vì thế sẽ không có mẫu chung bắt buộc hay quy tắc nào cho hình thức của 1 MSDS. Tuy nhiên, 1 MSDS đầy đủ nội dung thì có thể gửi cho người bán cũng như làm thủ tục hải quan, thủ tục khai báo hóa chất.
Các nội dung đó là:
- Tên thương mại: Là tên được thể hiện trên các chứng từ mua bán, chứng từ vận tải. Đối với các hóa chất là hợp chất, hóa chất gồm nhiều thành phần hóa học thì thường có tên gọi riêng, được dùng nhiều hơn là tên khoa học.
- Tên khoa học – tên hóa học: Mục đích của MSDS là để mô tả tóm tắt hóa chất nên không thể thiếu tên khoa học.
- Mã CAS (dịch vụ tóm tắt hóa chất): Là thông tin bắt buộc phải được thể hiện trên MSDS. Mã CAS này là một chuỗi số định danh duy nhất của 1 nguyên tố hóa học; hợp chất hóa học; polyme; chuỗi sinh học; hỗn hợp và hợp kim.
- Tên, địa chỉ và các thông tin của nhà sản xuất
- Thuộc tính vật lý: Thể hiện trạng thái rắn lỏng khí của hóa chất ở điều kiện thông thường cũng như màu sắc, điểm bắt lửa, độ sôi, khả năng hòa tan trong dung môi…
- Thông tin thành phần hóa học: Công thức hóa học, họ hóa chất, tính axit, tính bazơ…
- Các thông tin bổ sung: Quy trình làm việc với hóa chất, dụng cụ làm việc được phép tiếp xúc với hóa chất, quy định về đóng gói, những tác động có thể có lên môi trường…
Mục đích và công dụng của MSDS
- Cảnh báo các nguy hiểm trong quá trình sử dụng, các quy trình phải tuân thủ khi tiếp xúc
- Cách xử lý tình huống nếu không may xảy ra sự cố
- Xây dựng phương án vận chuyển, xếp dỡ
- Xây dựng phương án bảo quản trên tàu và tại kho bãi của cảng sao cho không gây nguy hiểm và ảnh hưởng tới hàng hóa khác
- MSDS là một chứng từ mà hải quan có thể yêu cầu cung cấp bổ sung vào bộ hồ sơ xuất nhập khẩu
Ai là người làm MSDS và trách nhiệm các bên ra sao?
MSDS sẽ được cung cấp bởi người bán hoặc nhà cung cấp sản phẩm, nhà cung cấp sản phẩm, công ty sản xuất hoặc nhà phân phối – công ty thương mại, cá nhân… Một MSDS hoàn chỉnh yêu cầu chính xác từ thông tin sản phẩm, tên gọi cho đến các thành phần, độ sôi, nhiệt độ cháy nổ và hình thức được phép vận chuyển (qua đường hàng không hoặc đường biển).
Trách nhiệm của các bên liên quan
Các nhà cung cấp:
Giấy chứng nhận MSDS yêu cầu có dấu của công ty sản xuất hoặc công ty hiện đang phân phối sản phẩm đó. Trường hợp thông tin trên giấy chứng nhận không chính xác, giả mạo thì công ty sẽ chịu xử phạt theo quy định của Pháp luật. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, có thể tịch thu lô hàng hoặc hơn thế nữa là bị tiêu hủy.
Nhà cung cấp còn phải chịu các trách nhiệm như sau:
- Đảm bảo đầy đủ MSDS cho từng sản phẩm được nhập khẩu hoặc bán để sử dụng trong nơi làm việc
- Đảm bảo MSDS không quá ba năm trước ngày bán hoặc nhập khẩu và có sẵn bằng cả hai ngôn ngữ chính thức
- Đảm bảo người mua sản phẩm có bản sao MSDS tại thời điểm trước khi người mua nhận được sản phẩm
- Cung cấp mọi thông tin cho bất kỳ bác sĩ hoặc y tá nào yêu cầu thông tin cho mục đích chẩn đoán, điều trị y tế
Tổ chức sử dụng:
- Đảm bảo rằng MSDS của nhà cung cấp được lấy từ nhà sản xuất
- Đánh giá MSDS nhận được để xác định ngày sản xuất
- Luôn cập nhật MSDS
- Đảm bảo MSDS được cập nhật không quá 3 năm
- Không muộn hơn 90 ngày đối với thông tin nguy hiểm mới
- Đảm bảo tất cả các bảng MSDS cần thiết đều có một bảng sao tại nơi làm việc
- Đảm bảo nhân viên làm việc với sản phẩm phải hiểu rõ được nội dung yêu cầu trên MSDS, mục đích và ý nghĩa của thông tin chứa trong đó
- Đảm bảo hướng dẫn đầy đủ cho nhân viên về quy trình sử dụng, lưu trữ an toàn, xử lý sản phẩm, các phương án xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn
- Cung cấp mọi thông tin bao gồm cả những thông tin được coi là bí mật thương mại cho bác sĩ hoặc y tá yêu cầu thông tin cho mục đích chẩn đoán, điều trị y tế
- Chủ sử dụng lao động có thể tạo các bảng dữ liệu để cung cấp thêm thông tin hoặc thay đổi định dạng MSDS miễn là không ít hơn thông tin được cung cấp bởi MSDS của nhà sản xuất
Người lao động :
- Phải hiểu biết cơ bản về bảng an toàn hóa chất
- Theo dõi công việc an toàn hoặc các biện pháp phòng ngừa theo chỉ dẫn của chủ lao động
- Biết vị trí của các bảng MSDS và cách tìm thông tin thích hợp về an toàn trong sử dụng và biện pháp sơ cứu
Cách tra cứu MSDS của các sản phẩm
Không phải bất cứ ai hay tổ chức nào cũng cung cấp được chính xác thông tin MSDS của một sản phẩm bởi do đặc thù yêu cầu về sự chính xác, tính khoa học. Để kê khai các thuộc tính trong MSDS chính xác nhất, bạn cần lấy thông tin từ nguồn dữ liệu xác thực.
Bước 1, Truy cập Link http://www.sciencelab.com/msdsList.php
Bước 2, Bấm tìm kiếm rồi nhập hóa chất cần tìm
Bước 3, Download nó về. Đặc biệt bạn phải đổi đuôi nó là thành .pdf
Lưu ý: Nếu bạn muốn dễ đọc và dễ tiếp cận thì hãy dịch ra tiếng Việt.
Trên đây là toàn bộ thông tin về MSDS là gì? Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn đọc. Hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của Nhựa Sài Gòn nhé!