Tiêu chuẩn GMP ra đời đã đem đến lợi ích nhất định cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Vậy GMP có nghĩa là gì? Có vai trò ra sao, bao gồm các nguyên tắc nào? Tất cả sẽ được Nhựa Sài Gòn giải đáp trong bài viết dưới đây!
Tóm tắt nội dung
Tìm hiểu về tiêu chuẩn GMP
Tiêu chuẩn GMP (viết tắt của Good manufacturing practice) có nghĩa là thực hành sản xuất tốt. Thuật ngữ này được dùng để chỉ một hệ thống gồm các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất,…
GMP được ra đời nhằm đảm bảo các sản phẩm được sản xuất liên tục và đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn. Đồng thời chúng còn được thiết kế nhằm hạn chế các rủi ro.
Những rủi ro không được loại bỏ qua thử nghiệm sản phẩm cuối cùng sẽ được loại bỏ nhờ GMP. Chẳng hạn như những tác hại không mong muốn của sản phẩm gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dùng. Hay liều lượng hoạt chất có trong thuốc quá nhiều hoặc quá ít, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thuốc và để lại tác dụng phụ,…
GMP sẽ kiểm soát mọi khía cạnh của khâu sản xuất. Từ khâu xây lắp nhà xưởng, chuẩn bị nguyên liệu đầu vào, dụng cụ, cơ sở trang thiết bị cho đến quá trình chế biến, đóng gói, bảo quản.
Áp dụng tiêu chuẩn GMP sẽ đem đến những lợi ích gì?
Hiện nay hầu hết các ngành sản xuất đều áp dụng tiêu chuẩn GMP. Bởi lẽ tiêu chuẩn này không chỉ đem đến lợi ích cho nhà sản xuất mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Những lợi ích cụ thể về tiêu chuẩn này gồm có:
Đối với nhà sản xuất
Khi áp dụng tiêu chuẩn GMP, các doanh nghiệp, thương hiệu hay các nhà sản xuất sẽ được cải thiện toàn diện về cơ sở và hoạt động sản xuất. Ngoài ra, nhà sản xuất còn nhận được những lợi ích như:
- Xem xét, phê chuẩn và đặt ra các điều kiện phục vụ cho quá trình sản xuất. Thực hiện các quá trình quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định, thích hợp với các đặc điểm kỹ thuật.
- Quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sẽ được chuẩn hóa. Đồng thời còn đặt ra cho nhà sản xuất các yêu cầu tối thiểu về nhà xưởng và thiết bị. Từ đó giúp nhà sản xuất xác định rõ ràng, đầu tư có hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
- Xây dựng đội ngũ nhân viên năng động, trách nhiệm và hiểu rõ về công việc. Từ đó giúp khách hàng cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại thương hiệu.
- Nhận được sự công nhận của Quốc tế, từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng độ nhận diện.
- Tất cả các công đoạn, bộ phận trong quá trình sản xuất đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu, thao tác, đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
- Việc áp dụng GMP sẽ giúp kiểm soát, hạn chế các tình trạng sai lỗi, không phù hợp ngay từ những công đoạn đầu. Nhờ vậy mà số lượng sản phẩm hỏng sẽ được giảm đáng kể, tiết kiệm thời gian, nhân lực và hiệu quả sản xuất.
Đối với người tiêu dùng
Như đã đề cập qua phía trên, GMP mang đến lợi ích cho cả 2 phía: nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đối với khách hàng, họ sẽ nhận được những lợi ích sau:
- Những nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP sẽ trở nên uy tín hơn trong mắt khách hàng. Nhờ vậy mà khách hàng sẽ an tâm và bớt rụt rè hơn đối với các sản phẩm đến từ thương hiệu này.
- Đồng thời những sản phẩm đến từ các thương hiệu đạt chuẩn GMP sẽ là một sự đảm bảo về chất lượng, uy tín. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng các sản phẩm này.
Các nguyên tắc cơ bản trong GMP
Nhắc đến GMP, chúng ta phải nghĩ ngay đến 10 nguyên tắc sau:
- Thiết kế nhà xưởng đúng chuẩn: Nguyên tắc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất trong việc đánh giá sự phù hợp về GMP sau này.
- Quy trình thẩm định: Là một nguyên tắc khá quan trọng bởi nó giúp kiểm soát hoạt động của các thiết bị. Đồng thời còn liên quan đến việc xây dựng nhà xưởng có đúng chuẩn hay không.
- Lên và làm theo quy trình: Dù có quy mô như thế nào thì doanh nghiệp cũng cần lên cho mình một quy trình nhất định. Để từ đó làm theo quy trình đã đề ra.
- Hiểu rõ nhiệm vụ của mỗi cá nhân: Mọi nhân viên trong nhà sản xuất phải nắm rõ được vai trò và trách nhiệm của bản thân.
- Ghi chép hồ sơ tốt: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo dõi các hoạt động trong quá trình sản xuất một cách kỹ lưỡng hơn.
- Đầu tư vào nhân viên: Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển quy mô doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên xây dựng một chương trình đào tạo và phát triển nhân viên.
- Công tác vệ sinh tốt: Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần đảm bảo về chương trình vệ sinh để hạn chế nguy cơ sản phẩm bị ô nhiễm.
- Bảo dưỡng thiết bị, nhà xưởng: Để giảm thiểu tình trạng thiết bị hư hỏng gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất thì doanh nghiệp nên tiến hành bảo dưỡng thường xuyên.
- Xây dựng chất lượng sản phẩm dựa trên vòng đời.
- Tự thanh tra: Doanh nghiệp nên tổ chức tự thanh tra nhằm đảm bảo quy trình sản xuất diễn ra đúng tiêu chuẩn GMP.
Lời kết
Trên đây là một số thông tin bổ ích về tiêu chuẩn GMP do Nhựa Sài Gòn tổng hợp được. Nếu có nhu cầu tìm hiểu về các tiêu chuẩn khác, đừng ngại ngần mà hãy truy cập vào trang web chúng tôi nhé!